Chỉ số đường huyết GI (Glycemic Index) là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết nhanh hay chậm của thực phẩm có chứa chất bột đường sau khi vào cơ thể.
Chỉ số GI là một trong những yếu tố giúp định hướng lựa chọn thức ăn, cách chế biến và lên thực đơn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Để dễ phân biệt mức độ làm tăng đường huyết của thực phẩm, chỉ số GI được chia thành 3 nhóm khi so với chất chuẩn là glucose:
• GI thấp: 1 – 55
• GI trung bình: 56 – 69
• GI cao: > 70
Một thực phẩm có GI cao vì nó chứa nhiều đường glucose hấp thu nhanh, sau khi ăn làm mức đường huyết tăng vọt nhưng lại giảm nhanh ngay sau đó. Sự tăng giảm đường huyết thất thường dễ dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là trên bệnh nhân đái tháo đường. Vì khi ăn nhiều thực phẩm GI cao làm mức đường huyết không ổn định, về lâu dài dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trên thận, tim mạch, mắt, thần kinh ngoại biên,…
Ngược lại, với thực phẩm có GI thấp thì sau khi ăn, mức đường huyết tăng từ từ, đều đặn và giảm xuống chậm rãi hơn, giúp duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động, hạn chế tối đa nguy cơ sức khỏe do tăng đường huyết.
Do đó, thực phẩm có chỉ số GI thấp được khuyến cáo sử dụng không những cho người bệnh đái tháo đường mà còn có ích trong rối loạn lipid máu, thừa cân,… vì nó giúp kiếm soát đường huyết, hạn chế tích trữ mỡ cho cơ thể, cũng như cải thiện chuyển hóa lipid máu.
Ths. Ds. Trúc Duyên
Trả lời