ThS. Nguyễn Ngọc Yến
Đại học Y Dược TP.HCM
Chitosan là dẫn xuất của chitin – một polysaccharid có nhiều trong nấm, nấm men, các động vật không xương sống ở biển và động vật chân đốt. Chitosan có khả năng tạo thành màng mỏng, kết hợp với nước, chất béo, ion kim loại, có tính kháng khuẩn… vì vậy chitosan được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong dược phẩm, mỹ phẩm [6], [7], [8].
1. Ứng dụng trong dược phẩm
– Ứng dụng trong trị bỏng, băng vết thương
Chitosan đã được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về tác dụng trị bỏng, làm lành vết thương. Kết quả cho thấy chitosan có khả năng cầm máu, kích thích tái tạo mô và biểu mô, làm chóng liền vết thương … Một số nghiên cứu ghi nhận màng đắp vết thương (bỏng) có sự kết hợp của chitosan và muối bạc thể hiện tác dụng rất tốt trong sự kiểm soát tốc độ trao đổi hơi nước, oxy và khả năng hút nước. Chitosan cũng thúc đẩy sự di chuyển của bạch cầu trung tính vào ổ viêm tăng; làm tăng hoạt động của đại thực bào dẫn đến việc giải phóng ra chất trung gian hóa học và sự thực bào các yếu tố bên ngoài, do đó đóng vai trị quan trọng trong cơ chế của việc làm lành vết thương. Như vậy, chitosan là vật liệu rất tốt trong việc bảo vệ và điều trị vết thương [1], [2], [4], [5].
– Làm thuốc hỗ trợ trị viêm loét dạ dày tá tràng
Chitosan tạo màng gel trong môi trường acid dạ dày, màng này sẽ giúp bảo vệ niêm mạc dưới tác dụng của các nhân gây loét dạ dày. Bên cạnh đó, chitosan còn có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn vì vậy chitosan ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, trong đó có chủng Helicobacter pylori – được xem là một trong những tác nhân quan trọng gây loét dạ dày-tá tràng [7], [8], [9].
– Tác dụng giảm đau
Một số tác giả cho rằng cả chitosan và chitin đều có tác động giảm đau. Tác dụng giảm đau của chitosan được cho là do sự hấp thu các ion proton được giải phóng nhờ nhóm amino tự do, vì vậy làm giảm pH ở khu vực bị viêm và giúp giảm đau [6].
– Thực phẩm chức năng cho người thừa cân, béo phì, cholesterol trong máu cao
Chitosan có khả năng kết hợp với nước và chất béo cao. Sự hấp thu chất béo của chitosan từ 170-315%. Như vậy, chitosan có tác dụng làm giảm cân, giảm cholesterol bằng cách gắn kết với cholesterol và các thành phần lipid khác hiện diện trong đường tiêu hóa, vì vậy chitosan giúp ngăn chặn sự hấp thu chất béo vào máu [3].
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược về việc sử dụng chitosan để giảm cân, giảm cholesterol vì hiệu quả dao động đáng kể ở các đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, chitosan có thể gây táo bón, giảm sự hấp thu của một số vitamin (A, D, E, K) và gây dị ứng ở một số trường hợp. Vì vậy, trước khi sử dụng chitosan để giảm cân, kiểm soát cholesterol trong máu, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế [3], [10].
– Trong bào chế dược phẩm
Chitosan là một tác nhân nhũ hóa, là tá dược, chất tạo bao phim vi nang hóa, tạo hydrogel… [6], [8], [9].
2. Trong mỹ phẩm
Chitosan có khả năng tạo màng mỏng trên bề mặt da, cung cấp nước và hạn chế sự mất nước, làm tăng khả năng hòa hợp sinh học giữa kem thuốc và da, giúp ổn định nhũ tương, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn… do đó, chitosan là thành phần lý tưởng trong các sản phẩm mỹ phẩm. Chitosan thường được sử dụng trong công thức kem như tác nhân nhũ hóa, tác nhân làm mềm da, giữ ẩm cho da… Ngoài ra chitosan còn được ứng dụng trong các sản phẩm định hình tóc, nước kẻ mắt, son môi…[6], [8], [9].
3. Một số sản phẩm chứa chitosan trên thị trường
– Sản phẩm hỗ trợ trị đau dạ dày, trung hòa axit: Novagast
– Thực phẩm chức năng cho người thừa cân, béo phì, cholesterol trong máu cao: Noli chitosan slimming, Swanson chitosan, Viên giáp sát chitosan, Chitolean…
– Kem đánh răng: New Bio-Denta Gold Toothpaste
– Kem chống viêm: Aloe Cure Cream
TS. Trần Anh Vũ và ThS. Nguyễn Ngọc Yến cũng đã tiến hành nghiên cứu một công thức kem có chứa tinh dầu dương cam cúc và chitosan. Sản phẩm được dùng cho những trường hợp bệnh nhân có da bị viêm, dị ứng, hay cần trị liệu bằng xạ trị. Kết quả nghiên cứu trên chuột nhắt trắng bị gây viêm, phù ở bàn chân bằng formalin cho thấy sản phẩm có tác dụng làm giảm sưng viêm đáng kể so với lô chuột chỉ điều trị bằng tá dược.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phạm Thị Mai, “Nghiên cứu ứng dụng chitosan dùng trong y tế”, Tạp chí Dược học số 3/1995, 14-15.
- Nguyễn Thị Ngọc Tú và cộng sự, “Kết quả bước đầu nghiên cứu thuốc chữa bỏng từ chitosan trên lâm sàng”, Tạp chí Dược học số 9/1996, 18-19
- Andrew B Jull , Cliona Ni Mhurchu , Derrick A Bennett , Christel AE Dunshea‐Mooij and Anthony Rodgers (2008), “Chitosan for overweight or obesity”, The Cochrane library
- Hiroshi Ueno, Takashi Mori, Toru Fujinaga (2001), “Topical formulations and wound healing applications of chitosan”, Advanced Drug Delivery Reviews, 52, 105-115.
- Brahim A. Alsarra (2009), “Chitosan topic gel form formulation in the management of burn wounds”, Internation Journal of Biological Macromolecules, 45, 16-21.
- Inmaculada Aranaz et al (2009), “Functional characterization of chitin and chitosan”, Current Chemical Biology, 3, 203-230.
- Luo D, Guo J, Wang F, Sun J, Li G, Cheng X, Chang M, Yan X (2009), “Preparation and evaluation of anti-Helicobacter pylori efficacy of chitosan nanoparticles in vitro and in vivo” , J Biomater Sci Polym Ed. 20 (11):1587-96.
- Marguerite Rinaudo (2006), “Chitin and chitosan: Properties and applications, Prog. Polym. Sci., 31, 603-632.
- Pradip Kumar Dutta (2004), “Chitin anh chitosan: chemistry, properties and applications”, Journal of Scientific and Industrial Research, vol. 63, pp. 20-31.
10.http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-625-CHITOSAN.aspx?activeIngredientId=625&activeIngredientName=CHITOSAN