TS. Trần Anh Vũ

DS. Lê Thị Thu Hiền

Đại học Y Dược TP.HCM

1. Thế nào là suy dinh dưỡng

          Suy dinh dưỡng (SDD) là một tình trạng bệnh, có khá nhiều ở trẻ em nước ta. Trước đây, có thời gian ở một số địa phương, số trẻ em SDD lên tới trên 50% tổng số trẻ. Ngày nay, do nhiều cố gắng chung, tỷ lệ đó đã giảm xuống. Tuy nhiên trẻ SDD vẫn còn khá nhiều, và vẫn là một mối quan tâm lớn của xã hội.

          Trẻ SDD là trẻ mà trong cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, do đó thường là gầy ốm, xanh xao, yếu đuối và chậm lớn.

         SDD ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển về mọi mặt của trẻ. Trẻ SDD không những chỉ chậm phát triển về cơ thể, mà còn chậm phát triển về trí tuệ. Vì vậy, nếu trẻ bị SDD kéo dài thì không những không thể cao lớn, khỏe mạnh khi lớn lên, mà còn không thể trở nên thông minh nhanh nhẹn trong tương lai được.

        Một điều rất quan trọng nữa là ở trẻ SDD, sức đề kháng chống lại bệnh tật bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, trẻ SDD rất dễ bị bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng. Và khi đã mắc bệnh, thì thường bệnh rất dễ trở nặng. Cho nên, phần lớn các trẻ bị các bệnh thông thường như viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… mà chết là do đã có SDD kèm theo.

          Vì những lý do trên, hiện nay SDD vẫn được coi là một trong những bệnh tai hại nhất đối với trẻ em nước ta.

2. Khi bị SDD, trẻ sẽ có những biểu hiện gì ?

          Tùy theo mức độ nặng nhẹ, trẻ SDD sẽ có các biểu hiện như sau: Thoạt đầu, khi mới bị SDD, triệu chứng thường không rõ ràng, ít gây chú ý của bà mẹ : trẻ vẫn chơi, vẫn có vẻ bình thường, nhưng mất dần vẻ bụ bẫm và sụt cân dần.

          Tiếp theo đó, ta sẽ thấy các bắp thịt ở cánh tay, ở đùi trẻ mềm nhão ra, rồi dần dần teo nhỏ lại. Da dẻ trở nên xanh xao. Trẻ biếng cười đùa. Đến giai đoạn sau, SDD sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm thần của trẻ: trẻ không ngủ, cơ thể xanh xao, gầy ốm một cách rõ rệt.

          Trên đây là các biểu hiện chung của SDD. Tuy nhiên, các trẻ SDD nặng có những biểu hiện đặc biệt, mà các bà mẹ cần đặc biệt quan tâm.

3. SDD nặng có những biểu hiện gì đặc biệt ?

          SDD nặng có 3 thể loại: thể phù, thể teo và thể hỗn hợp. Mỗi thể lại có một số biểu hiện khác nhau.

* SDD thể phù: Thường thấy ở trẻ mới sinh ra đã bị thiếu sữa, phải nuôi bằng cháo hoặc bột. Trong cháo, bột thường chỉ có đường, muối, thiếu hẳn các chất đạm như thịt, cá, trứng.

          Các triệu chứng của trẻ SDD thể phù gồm có :

  • Phù : trẻ bị phù dần dần – một số người gọi nhầm là sưng. Phù rõ nhất ở chân, tay và mặt. Do tình trạng phù, cân nặng của trẻ có thể không sụt giảm, đôi khi lại hơi tăng, làm cho một số bà mẹ tưởng là con mình mập ra. Nhưng quan sát kỹ sẽ thấy – khác với trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh thật sự – trẻ SDD thể phù thường xanh xao, buồn bã, thờ ơ với mọi sự xung quanh, không chịu chơi, chậm biết lẫy, biết ngồi, biết đi.
  • Da trẻ có thể có những đốm ở tay chân, ở thân mình. Những đốm này màu đỏ, sau đổi sang màu nâu hoặc đen. Ngoài ra, da còn có thể bị hăm đỏ, lở loét.
  • Tóc thường mọc thưa, bạc màu dễ rụng.
  • Mắt thường bị khô, trẻ sợ ánh nắng. Nặng nữa, mắt có thể kéo màng rồi loét ra, có khi dẫn tới mù lòa. Có chứng này là do cơ thể thiếu vitamin A, một chất rất cần thiết cho mắt.

          Ngoài ra, nhiều trẻ còn bị viêm chứng còi xương (sẽ nói đến ở một phần sau). Trẻ thường có bụng to hơn bình thường, và hay bị tiêu chảy.

* SDD thể teo: Cũng hay thấy ở những trẻ mới sinh ra đã không được bú sữa, phải bú nước cháo loãng; và cũng hay thấy ở những trẻ ăn dặm không đầy đủ hoặc không đúng phương pháp. Ngoài ra, cũng có thể thấy ở những trẻ đã bị bà mẹ bắt kiêng cữ quá đáng khi bị bệnh. Tôi luôn luôn gặp các trường hợp này ở các trẻ bị bệnh sởi (ban đỏ) hoặc tiêu chảy.

          Về triệu chứng, thì đơn giản :

  • Khởi đầu, chỉ thấy trẻ sụt cân. Quan sát kỹ, sẽ thấy lớp mỡ dưới da trẻ mất dần.
  • Sau đó, trẻ càng ngày càng gầy sọp, vẻ mặt hốc hác, nhăn nheo, trông gần giống con khỉ. Do đó, ở một số vùng nước ta, bà con gọi chứng SDD thể teo này là “bệnh ban khỉ”.

* SDD thể hỗn hợp: Trong thể này, ta có các triệu chứng phối hợp cả hai thể trên. Thông thường, đó là các trẻ SDD thể phù đã được điều trị, nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Do đó, phù thì chưa hết hẳn, nhưng lại thấy teo ở nhiều nơi. Trong trường hợp này, việc điều trị cần được tiếp tục tích cực hơn nữa.

Tài liệu tham khảo

1. TS. BS. Đào Thị Yến Phi, Dinh Dưỡng Học – Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, NXB Y Học 2011.

2. Lydia Roberts, What is malnutrition?, US Government Print.

3. Lisa C. Smith & Lawrence James Haddad, Explaining Child Malnutrition in Developing Countries: A Cross-country Analysis, Intl Food Policy Res Inst, 2000.

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon