TS. Trần Anh Vũ

DS. Lê Thị Thu Hiền

Đại học Y Dược TP.HCM

1. Thế nào là bệnh còi xương?

          Còi xương là một bệnh xảy ra khi cơ thể bé thiếu một chất, gọi là vitamin D, do đó còn được gọi là “bệnh thiếu vitamin D”. bệnh này thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, nhưng cũng có xảy ra ở một số trẻ em lớn tuổi hơn. Trong bệnh này, xương của bé chậm phát triển, hoặc thậm chí không phát triển được và làm cho xương bị dị dạng như cong xương, vênh xương,… Ngoài ra, còn làm cho xương bị xốp không được rắn chắc, do đó dễ bị gãy xương, nứt xương v.v…

2. Vitamin D là chất gì, tại sao thiếu Vitamin D lại sinh ra còi xương?

          Xương của con người muốn phát triển được tốt, muốn trở nên cứng rắn, khỏe… thì cần có một số chất tới nuôi dưỡng, trong đó chủ yếu là chất Calcium. Chất Calcium này có trong nhiều loại thức ăn : sữa, thịt, cá, trứng, đậu… Tuy nhiên, Calcium chỉ có thể được hấp thụ tốt nếu có vitamin D trong cơ thể. Vitamin D giúp cho Calcium từ những thức ăn trong bộ máy tiêu hóa được hấp thụ vào máu, đồng thời cũng giúp cho Calcium trong máu được vận chuyển tới các xương và được hấp thụ vào đó. Vì vậy nếu cơ thể của bé thiếu vitamin D, thì các xương của bé – do không hấp thụ được đủ Calcium – sẽ không phát triển được tốt, sẽ trở nên cong, vênh, xốp… và trở thành bệnh còi xương.

3. Làm gì cho cơ thể bé có vitamin D?

          Vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm, nhưng có nhiều nhất là trong gan động vật, gan cá – nhất là gan cá thu và trong trứng, trong bơ…

         Tuy nhiên, các chất nói trên khi vào cơ thể của bé, mới đưa ra được một chất chưa hẳn là vitamin D. Chất này được gọi là “tiền vitamin D” (tiền là trước). “tiền vitamin D” nằm rải rác dưới da. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào da thì có một tia sáng – gọi là tia tử ngoại – sẽ chuyển “tiền vitamin D” thành vitamin D.

          Do đó, muốn có vitamin D trong cơ thể, thì ăn các thực phẩm có nhiều vitamin D chưa đủ, mà còn phải cho cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nữa. Vì vậy, muốn tránh được bệnh còi xương, một việc cần thiết là phải cho bé được tắm nắng đầy đủ, ví dụ mỗi sáng tắm nắng khoảng 30 phút. Các bé sống ở những nơi tăm tối, lụp xụp, ít được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì thường hay bị còi xương.

4. Làm thế nào để phát hiện bệnh còi xương?

          Bệnh còi xương hoàn toàn có thể phát hiện, chẩn đoán chính xác ngay trong gia đình bạn.

          Những triệu chứng sau đây có thể nhận xét được dễ dàng:

  • Thoạt đầu, bạn thường thấy bé hay quấy khóc, ngủ luôn bị giật mình và hay đổ mổ hôi. Tuy nhiên, lúc này các triệu chứng đó thường chưa làm bạn chú ý đến lắm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy đầu của bé như to ra hơn, so với thân thể của bé. Có trường hợp, bạn sờ thấy một vài cục bướu nổi lên quanh đầu. Trong khi đó, bạn sờ lên thóp của bé, bạn lại thấy thóp đó chậm kín lại (bình thường, thóp của bé phải khép kín sau 12 – 18 tháng). Bạn cũng thấy răng của bé chậm mọc, và bé rất dễ bị sún răng, sâu răng.
  • Sau đó, xem xét, sờ nắn thân thể và tay chân, bạn sẽ thấy xương sống (cột sống) của bé bị cong, bị vẹo… Đồng thời, xương tay chân cũng có thể bị cong, nhất là xương chân, gây nên tình trạng “chân vòng kiềng”, “chân chữ bát”. Do tình trạng xương yếu như trên, bé chậm biết lẫy, biết đứng, biết đi.
  • Cuối cùng, nếu bệnh còi xương xảy ra ở các bé dưới 1 – 2 tuổi, thì bé rất dễ bị co giật (làm kinh). Có chứng này, là do cơ thể thiếu Calcium. Vì Calcium không chỉ cần thiết cho xương, mà còn là một chất quan trọng làm cho hệ thần kinh ổn định và phát triển.

5. Làm gì để phòng tránh bệnh còi xương cho bé?

          Bạn có thể làm ba việc sau đây:

  • Đầu tiên, các bà mẹ phải bỏ tập quán sợ cho bé ra nắng gió. Ngay sau khi bé ra đời được một tuần, nên ncho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mỗi ngày, cho bé ra tắm nằng khoảng 30 phút hoặc 60 phút. Nên tắm nắng vào buổi sáng, lúc mặt trời mới lên, thời tiết mát mẻ. Trong lúc tắm nắng, nên cởi bỏ tã lót, quần áo… chỉ cần giữ ấm cổ, ngực nếu trời lạnh. Bà mẹ cũng nên đi tắm nắng, vì mẹ cũng cần vitamin D.
  • Nên cho bé uống thêm vitamin D từ tuần thứ hai sau khi sinh, liều trung bình là 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Có thể uống liên tục hàng ngày cho tới khi bé biết đi. Với những bé đẻ non, hoặc mới sinh ra đã gầy ốm… thì có thể cho vitamin D liều cao hơn : 600 – 1.000 đơn vị mỗi ngày. Các bà mẹ khi đang mang thai mà ốm yếu… hoặc hoàn cảnh nhà cửa chật chội, thiếu ánh sáng mặt trời, thì nên dùng vitamin D mỗi ngày 4.000 – 5.000 đơn vị. Có thể uống từ tháng thứ sáu của thai kỳ cho tới khi sinh đẻ.
  • Cuối cùng, đối với các bà mẹ và bé – khi đã đến tuổi ăn dậm được – thì nên dùng thêm các chất có nhiều vitamin D: các loại gan động vật, trứng, bơ…

6. Nếu gia đình phát hiện bé bị còi xương, thì cần làm gì?

          Dĩ nhiên, việc tốt nhất vẫn là đưa bé đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ thăm khám, làm một số xét nghiệm nếu cần để việc chẩn đoán được chính xác, đánh giá mức độ còi xương của bé, sau đó sẽ quyết định việc điều trị.

          Tuy nhiên, việc điều trị còi xương vẫn được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Chỉ trường hợp bé bị còi xương rất nặng, hoặc lại mang thêm một bệnh khác, thì mới cần nằm viện.

          Còn nếu bạn chưa có điều kiện cho bé đi khám bệnh hoặc theo dõi tại một phòng khám, thì bạn có thể tạm thời cho bé dùng thuốc như sau :

– Vitamin D: 1.500 – 2.000 đơn vị mỗi ngày, uống liên tục trong 3 – 4 tuần. Sau đó, chuyển sang liều dùng phòng bệnh (đã nói ở phần trên: 400 đơn vị mỗi ngày) cho tới khi bé biết đi.

– Calcium – Gluconat : 0,500g mỗi ngày.

(Trên đây là liều trung bình cho các bé dưới 3 tuổi)

          Trong khi đó, bạn cần luôn luôn thực hiện các điều đã nói trong phần phòng bệnh, nhất là cho bé thường xuyên tắm nắng mỗi buổi sáng (Xin quí vị đọc phần  “Cách tắm nắng cho trẻ” ở mục hướng dẫn ).

 

Tài liệu tham khảo

1. TS. BS. Hà Mạnh Tuấn, Phác đồ điều trị nhi khoa 2008, Bệnh viên Nhi đồng 2 TP.HCM, NXB Y Học 2009.

2. Nguyễn Xuân Sơn, Sổ tay thầy thuốc thực hành tập 1, NXB Y Học Hà Nội 1994.

3. Z. Hochberg, 2003, Karger Medical and Scientific Publishers.

 

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon