Tình trạng nôn trớ thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn các bé từ 1- 2 tháng tuổi. Sau khi bé bú hoặc ăn no, hay thay đổi tư thế đột ngột, vặn mình làm các chất trong dạ dày (thức ăn, sữa,..) dễ bị đẩy ngược trở lại họng hoặc miệng gọi là hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Nôn trớ ở trẻ được chia thành nôn trớ sinh lý và nôn trớ bệnh lý.
Nôn trớ sinh lý: khi trẻ mới sinh, hệ thống tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, nên trẻ dễ nôn trớ, đây là tình trạng khá phổ biến và được xem là biểu hiện sinh lý bình thường, hiện tượng này tự khỏi khi trẻ lớn hơn.
Nôn trớ bệnh lý: là triệu chứng có thể liên quan đến những bệnh lý về tiêu hóa như: nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, viêm ruột, nhiễm khuẩn, nhiễm virut, lồng ruột, rối loạn vận động dạ dày, thực quản hoặc do cơ thể trẻ không dung nạp được một số chất.
Vì vậy, mẹ cần theo dõi khi bé nôn trớ kéo dài và có bất kỳ biểu hiện lạ, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Những dấu hiệu bất thường khi trẻ nôn trớ và cần được đưa đi khám.
Trẻ nôn kèm với biểu hiện sốt, ho, đau bụng, trướng bụng, tiêu chảy, phát ban, nôn kèm máu, nôn ra dịch vàng xanh,…
Cơ thể bé co giật, bé có biểu hiện lơ mơ.
Nôn trớ liên tục trên 24 tiếng khiến cơ thể bé mất nước.
Phòng và xử trí nôn trớ như thế nào?

  • Khi nôn nhiều khiến trẻ dễ bị mất nước, người mẹ nên bù nước và các chất điện giải cho trẻ bằng dung dịch Oserol, nước lọc, nước cháo muối, thực phẩm dễ tiêu hoá,…để cơ thể bé tránh tình trạng mất nước.
  • Không thay đổi tư thế bé đột ngột vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
  • Khi trẻ nôn trớ, mẹ nên từ từ vỗ về, đồng thời vuốt ngực và lưng từ trên xuống, tiếp đến nhanh chóng nhẹ nhàng vệ sinh mặt, miệng thay áo cho trẻ.
  • Đặt trẻ nằm cao đầu, luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới.
  • Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị tràn dịch nôn vào phổi.
  • Không nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi nôn ói.
    Khi cho bú phải từ từ, không để bú quá no, sau khi cho trẻ bú xong, cần bế đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng để trẻ có thể ợ hơi được.
  • Để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ: Nên cho bé ngậm hết quầng vú của mẹ (với trẻ bú mẹ) hoặc nghiêng bình sữa, sao cho sữa ngập cổ bình (với trẻ bú bình) khi cho bé bú.
    Với trẻ ăn dặm: Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nên chọn những loại bột gạo thủy phân, vì các phân tử tinh bột lớn đã được cắt nhỏ, giúp bé sẽ dễ tiêu hóa hơn. Công nghệ thủy phân tinh bột giúp giữ nguyên được các hàm lượng dinh dưỡng từ nguyên liệu, làm bột trở nên mịn hơn, giúp trẻ dễ nuốt.
    Với trẻ bú dặm: Mẹ nên nhờ sự tư vấn của nhân viên y tế để chọn sữa dành riêng cho trẻ hay nôn trớ. Trong đó sữa được làm đặc hơn, khi uống sữa vào đến dạ dày sẽ sệt lại, làm giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh.
    Để phòng ngừa và hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn, giảm thiểu tình trạng nôn trớ của trẻ thì mẹ có thể cho bé bổ sung các chế phẩm men vi sinh có chứa các bào tử lợi khuẩn.
    Ngoài ra một số thảo dược như: đinh hương, tai hồng, đẳng sâm, sinh khương, chè dây, trữ ma căn, lá khôi, ô tặc cốt, mộc hương…cũng góp phần hỗ trợ giảm tiết axit dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, chữa chứng nôn trớ-trào ngược dạ dày thực quản.
    Việc chăm sóc, điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý đúng cách sẽ hạn chế được tình trạng nôn trớ của trẻ. Mong rằng với những giải pháp trên giúp các mẹ chủ động hạn chế tình trạng nôn trớ cho trẻ, giúp cha mẹ chăm con dễ dàng, tiết kiệm hơn về kinh tế lẫn thời gian.

    Nguyễn Thị Diệu Hiền
    Biên tập theo “Tài liệu y tế”
X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon