Biếng ăn ngày càng xuất hiện nhiều trong các gia đình, đặc biệt là ở các đô thị lớn và có thể xảy ra mọi lứa tuổi, kể cả những trẻ đang khỏe mạnh. Trẻ biếng ăn là nổi lo của nhiều gia đình và là lý do khiến nhiều bà mẹ phải đưa con đi khám nhiều nhất tại khoa dinh dưỡng. Vì thế chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn của trẻ, để tìm ra những giải pháp phù hợp.
1/ Biếng ăn do tình trạng sức khỏe hoặc môi trường thay đổi như: mọc răng, chích ngừa, thay đổi thời tiết (quá nóng hoặc quá lạnh, ngứa…). Tình trạng nầy sẽ qua nhanh, không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
2/ Biếng ăn do bị nhiễm trùng như: viêm hô hấp cấp (viêm họng, viêm phế quản…), rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…). Trẻ đang mắc bệnh thường lười ăn do đau đớn, do dùng nhiều thuốc gây đắng miệng, do sốt làm giảm dịch tiêu hóa…Khi đó không nên ép trẻ ăn mà nên chọn những thức ăn có năng lượng cao, thơm ngon, hấp dẫn, dễ hấp thu và phải chấp nhận trẻ ăn ít hơn lúc khỏe vì trẻ đang bệnh. Khi khỏi bệnh trẻ sẽ ăn lại bình thường.
3/ Biếng ăn do nhiều vị thức ăn không phù hợp: trường hợp nầy thường gặp ở trẻ đang ăn dặm. trẻ thường thích ăn lạt, nhưng các mẹ thường thích nêm thêm nước mắm hoặc muối, bột nêm theo vị của mình, khiến trẻ từ chối thức ăn. Hãy tìm hiểu sở thích của trẻ và xem trẻ thích ăn gì thì nên nêm thứ đó.
4/ Biếng ăn do bị thiếu dinh dưỡng như: thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu Vitamin…Trẻ cần bổ sung các vi chất nầy, tốt nhất là từ các thực phẩm tươi như: thịt, cá, rau quả, trứng, sữa…
5/ Biếng ăn do tâm lý: do bữa ăn không vui vẻ, thoải mái (phải ăn một mình, luôn bị doạ nạt, la mắng, thậm chí bị đánh đòn) làm trẻ ức chế hoặc trẻ có cảm giác bị “bỏ rơi” (sau khi sinh, mẹ đi làm sớm, không có thời gian tiếp xúc với con), hoặc trẻ có cảm giác được cưng chiều (bữa ăn là “công cụ” để trẻ trừng phạt hay khen thưởng người khác)…Do đó cần tạo một bữa ăn vui vẻ cho trẻ.
6/ Biếng ăn bệnh lý: tức là trẻ bị biếng ăn thật sự, thường nguyên nhân được cho là do cơ chế thần kinh, cơ thể bị suy dinh dưỡng và không giải pháp nào kể trên có thể cải thiện được tình trạng biếng ăn của trẻ. Những trẻ nầy cần phải theo dõi và điều trị.
Khi trẻ biếng ăn, ngoài những biện pháp điều trị theo nguyên nhân, để phòng ngừa việc trẻ bị suy dinh dưỡng, nên cho trẻ sử dụng những thực phẩm có năng lượng cao, có bổ sung vi chất dinh dưỡng, dễ hấp thu và hấp dẫn khẩu vị của trẻ. Cụ thể, có thể dùng các loại thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, có năng lượng cao, với mùi vị thích hợp với trẻ, hoặc cho thêm dầu ăn vào thức ăn (bột, cháo, cơm, canh…) của trẻ vì dầu ăn cung cấp nhiều năng lượng hơn các thực phẩm khác, để giúp trẻ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng bình thường.
Những chất dinh dướng dễ hấp thu như MCT (axit béo chuỗi trung bình, khi tiêu hóa không cần men Lipase của ruột giúp tăng hấp thu các vi chất), FOS (một loại đường đa, là nguồn thức ăn cho một loại vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ giúp trẻ nhuận trường, tăng hấp thu một số vi chất và cải thiện khẩu vị).
Ngoài ra, trong sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt năng lượng cao thường chứa đầy đủ các Vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ như: Vitamin A, sắt, kẽ, lysine… rất quan trọng để tránh tình trạng thiếu chất, cũng như giúp trẻ phục hồi lại cảm giác ngon miệng và hấp thu thức ăn tốt hơn. Có thể cho trẻ ăn thêm vào bữa chính sau khi ăn hoặc bữa tối trước khi ngủ.
Bài viết: BS CKII Nguyễn Thị Hoa
(Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng-BV Nhi Đồng 1, TP-HCM
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon