Chúng ta ăn uống, thức ăn sẽ xuống thực quản, rồi xuống dạ dày. Giữa phần thực quản nối với dạ dày có một cơ gọi là cơ vòng thực quản dưới đóng vai trò như một cái van ngăn không cho thức ăn, axit trong dạ dày đi ngược lên thực quản. Khi thức ăn từ thực quản xuống dạ dày, cơ vòng mở ra cho thức ăn đi qua, sau đó đóng kín lại. Cơ vòng thực quản dưới không đóng kín thì axit tiết ra trong dạ dày sẽ đi ngược lên trên thực quản. Nếu điều này xảy ra hơn 2 lần trong 1 tuần gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có những triệu chứng nào?
– Ợ nóng (heartburn): cảm giác nóng rát, khó chịu ở dạ dày lan lên ngực, có thể lên đến họng.
– Ợ chua (regurgitation): cảm giác đắng, chua ở trong miệng do axit ở dạ dày trào lên.
– Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản có thể biểu hiện đau họng, vướng họng thường xuyên, ho kéo dài, khàn tiếng, nuốt đau, nuốt khó…
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên làm gì để cải thiện tình trạng bệnh của mình?
– Mỗi bữa ăn không nên ăn quá no, có thể chia nhỏ, ăn nhiều bữa nhỏ nếu thấy đói và không đủ năng lượng.
– Không đi nằm ngay sau khi ăn.
– Bữa ăn tối nên cách 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
– Khẩu phần ăn nên tránh những thức ăn có chứa caffein, chocolate, dầu mỡ nhiều, ớt, tiêu, cà chua, cam quýt…
– Hạn chế uống bia, rượu, nước có ga…
– Không hút thuốc lá
– Không mặc quần quá chật, sử dụng thắt lưng chật.
– Giảm cân, cụ thể là giảm vòng eo.
– Nằm ngủ tư thế thân và đầu cao, cụ thể có thể kê đầu giường cao 15-20cm, dùng gối gối đầu chỉ phần đầu mà phần thân người không cao cũng không hiệu quả. Nằm giống như khi nằm trên một chiếc ghế thư giãn là hợp lý.
– Hạn chế sử dụng những thuốc có tác dụng giảm đau: ibuprofen, meloxicam…
– Cân bằng cuộc sống: hạn chế tối đa stress từ công việc, cuộc sống, gia đình…(điều này rất quan trọng nhưng cũng khó thực hiện nhất, tùy thuộc vào cuộc sống, tính cách của mỗi người bệnh)
– Thông báo cho bác sĩ biết bạn có vấn đề trào ngược dạ dày thực quản khi đi khám vì những vấn đề sức khỏe khác, ví dụ tăng huyết áp vì thuốc bác sĩ cho có thể làm cho vấn đề trào ngược dạ dày của anh chị xấu hơn.
Anh chị đã thực hiện tốt những biện pháp trên mà tình trạng bệnh vẫn không cải thiện, anh chị nên đi gặp bác sĩ để khám nha.
Nguồn: BS TMH Đoàn Hoàng.
Trả lời