Nhiều nữ sinh trung học cơ sở học rất giỏi nhưng sang trung học phổ thông lại kém hẳn đi, phong độ học tập không còn. Theo nghiên cứu có thể một phần là do thiếu sắt…
Thiếu sắt dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể nhưng đứng hàng đầu là thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu sắt gây ra nhiều hậu quả xấu, có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển tâm thần, giảm sức đề kháng, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, nhưng quan trọng nhất là giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy sáng tạo, kết quả học tập kém.
Ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ, dù chỉ bị thiếu máu nhẹ vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ. Trẻ dưới 2 tuổi thiếu máu có thể ảnh hưởng sự điều khiển chân tay và mất thăng bằng, chậm nói, rụt rè, mất tự tin…Dù điều trị rồi nhưng sau nầy dấu ấn vẫn tồn tại.
Thiếu hay dư đều xấu.
Một trong những hậu quả khá nặng nề là trên hệ thần kinh trung ương: dễ bị kích thích, cáu gắt, mệt mỏi và giảm khả năng lao động, rối loạn dẫn truyền thần kinh dẫn đến phản xạ chậm, trì trệ tâm thần, khả năng phát triển thể chất và tư duy giảm sút, giảm khả năng tập trung, thời gian tập trung ngắn lại, phù gai thị (dễ bị chói mắt, giảm thị lực)…
Thiếu sắt thường diễn ra lặng lẽ, không có triệu chứng. Nhẹ thì có thể mệt mỏi, hay gắt gỏng, nhức đầu, hơi thở ngắn; da, niêm mạc, móng tay đều nhợt nhạt. Nặng hơn có thể làm các gai lưỡi bị teo, hay lở lưỡi, ăn kém ngon, đau rát trước ngực, đầy hơi, nôn ói, táo bón…Có thể đưa đến tim to và suy tim ứ huyết…
Thiếu sắt dễ dẫn tới các rối loạn như trên, nhưng dư sắt cũng sẽ tổn thương rất nặng đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Vì vậy không tự ý bổ sung sắt mà nên đi khám để xác định và phải do Bác sĩ chỉ định bổ sung, nhưng thông thường khi phát hiện có dấu hiệu thiếu sắt thì hầu hết nguồn dự trữ sắt của cơ thể đã cạn kiệt.
Việc điều trị rất thận trọng vì nếu đưa lượng sắt quá nhiều vào cơ thể dẫn tới quá tải sắt sẽ gây độc tính trên gan, tim, tụy (gây tiểu đường), khớp (gây thoái hóa khớp). Một số trường hợp tự ý uống viên sắt lâu dài mà không có chỉ định và theo dõi của Bác sĩ có thể dẫn tới tình trạng ứ sắt-một bệnh lý nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao.
Đa dạng hóa bữa ăn
Tỉ lệ thiếu máu- thiếu sắt ở học sinh trung học phổ thông nhiều hơn trung học cơ sở. Để phòng chống thiếu máu- thiếu sắt cần đa dạng hóa bữa ăn. Chọn những thực phẩm giàu chất sắt như: thịt, cá, gan, huyết, trứng, đậu, rau xanh. Ăn cùng hay ngay sau bữa ăn các loại trái cây giàu Vitamin C như: cam, bưởi, táo, sơ ri, thơm (dứa)… để giúp cơ thể tăng cường hấp thu sắt. Tránh sử dụng cùng hay sau bữa ăn các thực phẩm có chứa chất ngăn cản hấp thu sắt như tanin (có nhiều trong trà, cà phê, coca và một số loại rau có vị chát), can xi (từ một số sản phẩm sữa, chế phẩm dược). Do đó cần bỏ thói quen uống trà đặc, cà phê, coca ngay sau bữa ăn vì nó sẽ là giảm hấp thu chất sắt (có thể uống 1-2 giờ sau khi ăn, khi thức ăn đã tiêu hóa khỏi dạ dày)
Nên bổ sung viên sắt dự phòng cho phụ nữ tuổi sanh đẻ, thai phụ, phụ nữ cho con bú. Bổ sung vi chất và sắt vào các loại thực phẩm như bột dinh dưỡng trẻ em, một số loại sữa bột, bánh qui, mì ăn liền, nước mắm…Đối với người ăn chay trường (sắt trong chế độ ăn có giá trị sinh học thấp) nên gia tăng các thực phẩm như đậu nành, rau, đu đủ…
Lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ gái, đặc biệt ở giai đoạn 15-18 tuổi, nhu cầu sắt cần bổ sung nhiều hơn nữa trong khẩu phần. Quan tâm chế độ ăn đủ năng lượng (ngoài ba bữa chính thêm hai bữa phụ là sữa) để các em đủ tăng trưởng và đủ sức khỏe trí não trong học tập.
TS.BS Huỳnh Nghĩa (BV Truyền máu huyết học TP.HCM)
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Nguồn: Songkhoe@tuoitre.com.vn

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon