Tên tiếng Việt:chè dây

Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook. Et Arn.) Planch

Tên khác: Chè hoàng giang, song nho, pàn oỏng, khau cha (Tày).

Phân bố: Hương Khê (Hà Tĩnh), Trà My (Quảng Nam), Kon Tum, K’Bang (Gia Lai), Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Lâm Đồng và Đồng Nai.

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất của cây chè dây thu hái vào lúc cây chưa ra hoa, cắt nhỏ, phơi khô.

Tính vị, công năng: Chè dây có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, giảm đau, chống viêm.

Công dụng: Thân và lá được dùng nấu nước uống thay chè. Viện Y học cổ truyền chiết ra dạng cao khô dùng chữa loét dạ dày tá tràng.

Cách dùng:

Chữa đau dạ dày: Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày, hàng ngày, lấy 30 -50g dược liệu, hãm hoặc sắc uống làm nhiều lần. Một đợt điều trị dùng liên tục từ 15 –  30 ngày. Trường Đại học Dược Hà Nội đã chế ra chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid chè dây, còn Viện Dược liệu chế ra chế phẩm Cantonin có 80% flavonoid chè dây, mỗi lần dùng 3 viên nang 0,25g, ngày 2 – 3 lần.

Phòng bệnh sốt rét: Chè dây 60g, lá hồng bì 60g, rễ cỏ xước, lá đại bi, lá tía tô, lá hoặc vỏ cây vối, rễ xoan rừng mỗi thứ 12g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml uống trong ngày. Cứ 3 ngày dùng một thang.

Chữa tê thấp đau nhức: Lá chè dây tươi giã nát, hơ nóng, gói vào vải sạch, đắp vào chỗ đau nhức.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.

Chủ biên: Đỗ Huy Bích 

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon