Làm tăng tính nhạy cảm của tổ chức đối với insulin:
– Lợi ích chính của hoạt động thể lực là làm tăng tính nhạy cảm của tổ chức đối với insulin, cải thiện hoạt động của insulin ở những người có kháng insulin hoặc người bệnh đái tháo đường type 2 (thừa cân béo phì) Những lợi ích này có thể thấy được qua sự cải thiện của chỉ số HbA1C.
– Luyện tập làm cơ thể gia tăng tiêu thụ glucose ngoại biên một cách dễ dàng, do đó làm giảm lượng glucose máu, vì vậy sẽ làm giảm luôn nhu cầu sử dụng thuốc hạ đường huyết và insulin ở người đái tháo đường (ĐTĐ)
Làm giảm nguy cơ bị biến chứng tim mạch:

  • Khi vận động thường xuyên, sẽ giúp cơ thể giảm cholesterol xấu (LDL), làm tăng cholesterol tốt (HDL) Do đó, vận động đóng một vai trò tích cực trong việc làm chậm lại hoặc dự phòng được các bệnh lý tim (tai biến mạch máu não, cao huyết áp…)
    Góp phần làm giảm trọng lượng cơ thể ở người thừa cân hoặc béo phì:
    – Khi tập luyện hay nói đúng hơn khi hoạt động thể lực thì cơ thể sẽ tạo ra năng lượng để đốt cháy thức ăn (đạm, đường và chất béo) Như vậy, chế độ tập luyện kết hợp với kiểm soát chế độ ăn hợp lý sẽ giúp người bệnh điều chỉnh được đường huyết cũng như cân nặng theo ý muốn, thích nghi cho sức khoẻ của mình.
    – Luyện tập giúp cho cơ thể giảm béo: tăng nồng độ HDL, giảm bề dầy lớp mỡ dưới da, tăng cường tiêu hao năng lượng.
    – Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 (không phụ thuộc Insulin), nếu như đang thừa cân béo phì thì vấn đề giảm cân sẽ thực sự mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát tốt đường huyết.
    Cải thiện chức năng hệ tim mạch, chức năng hô hấp và hệ xương khớp:
    – Tập luyện thường xuyên sẽ giúp người bệnh tăng cường lưu thông máu, khả năng vận chuyển oxy tăng, điều hoà huyết áp, tim phổi hoạt động tốt hơn. Dẫn đến tăng sức bền và sức chịu đựng của cơ thể
    – Đối với người cao tuổi, việc vận động thể dục thường xuyên còn giúp ngăn ngừa giảm khối cơ cũng như ngăn ngừa giảm sức mạnh của cơ do những tác động của tuổi tác. Điều này đặc biệt có lợi trong việc giảm nguy cơ té ngã và duy trì chất lượng cuộc sống nói chung.
    Giảm stress
  • Khi vận động, não bộ sẽ tiết ra Endorphin tạo cảm giác hưng phấn, thoải mái, dễ chịu. Do đó, vận động chính là một phương pháp rất tốt để giảm stress, hình thành sự tự tin, giúp người bệnh tăng thêm tình yêu cuộc sống.
    Nhìn chung, vận động (thể dục thể thao hay hoạt động thể lực) có tác dụng rất tốt. Về tâm lý làm người bệnh ĐTĐ bớt mặc cảm bệnh tật, hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, do cơ chế bệnh sinh khác nhau giữa 2 type ĐTĐ nên cần có sự phân biệt hiệu quả của chương trình vận động thể lực giữa ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2.
    Đối với ĐTĐ type 1: vận động không cải thiện đáng kể mức đường huyết so với cách điều chỉnh liều Insulin. Tuy nhiên, vận động có những tác dụng tốt đáng kể như sau:
    – Làm giảm VLDL và LDL, tăng HDL
    – Cải thiện hoạt động hệ tim mạch
    – Giảm huyết áp
    – Tinh thần sảng khoái
    Đối với ĐTĐ type 2: vận động có tác dụng điều chỉnh đường huyết thông qua cơ chế làm giảm tình trạng kháng Insulin. Vận động có những tác dụng chính tốt đối với ĐTĐ type 2 thông qua cải thiện tốt kiểm soát đường huyết do:
    – Làm giảm thừa cân béo phì
    – Làm giảm đề kháng insulin
    Tóm lại, vận động là phương pháp hỗ trợ điều trị tích cực cho các bệnh lý mạn tính. Nên có chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh, thể lực và điều kiện của từng người bệnh để mang lại hiệu quả tối ưu trong cải thiện bệnh lý mạn tính đang mắc phải.

ThS. BS. Dương Công Minh

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon