Công dụng làm thuốc của một số loài hoa kiểng ngày tết

Người Việt Nam chơi hoa quanh năm, nhưng chỉ đến ngày xuân, mới có cảnh trăm hoa đua nở. Ngày Tết, trong không khí đón mừng năm mới ở mỗi gia đình, trên bàn tiệc, trong phòng khách hay trên những nơi trang trọng để thờ cúng tổ tiên thường không thể thiếu hoa. Người ta yêu hoa không chỉ vì sắc hoa đẹp, hương hoa nồng nàn, mà còn vì từ xa xưa, người phương Đông đã dùng hoa làm thuốc để phòng chống bệnh tật, bảo vệ cơ thể và nâng cao sức khỏe. Tác dụng chữa bệnh của hoa do nhiều yếu tố tạo thành, từ màu sắc, hương thơm, đến các thành phần hoạt chất có trong hoa. Có hoạt chất chiết từ hoa ngày nay rất phổ biến trong công nghiệp dược như rutin chiết xuất từ hoa hòe (Sophora japonica L., thuộc họ Hoa môi – Lamiaceae) có tác dụng giúp tăng cường sức bền của mao mạch (thành mạch máu), có tác dụng cầm máu rất tốt, thường phối hợp với vitamin C (viên Rutin C) trong điều trị các bệnh đại tiện ra máu, chảy máu cam hoặc ho ra máu, phụ nữ rong kinh, băng huyết; giúp tăng cường sức đề kháng cho những người có cơ địa gầy yếu, suy nhược cơ thể, lao sơ nhiễm, có tác dụng rất tốt trong phác đồ điều trị các bệnh viêm gan siêu vi B, C.

Ở nước ta, các sách thuốc của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều có ghi lại khá nhiều kinh nghiệm dùng hoa làm thuốc chữa bệnh. Trong kho tàng kinh nghiệm sử dụng dân gian cũng đúc kết rất nhiều phương cách chữa bệnh dùng hoa dưới dạng thực phẩm, thuốc uống hay thuốc dùng ngoài da. Chính những cành mai, đào, hồng, cúc, vạn thọ… mơn mởn không chỉ để trang trí mà còn là vị thuốc có giá trị chữa bệnh trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Qua bài viết này, chúng tôi xin được tổng hợp một số bài thuốc phòng và chữa bệnh đi từ một số loài hoa thường gặp trong đời sống hàng ngày.

Hoa mai

Nói đến hoa xuân không thể không nói đến hoa mai. Hoa mai được dùng làm thuốc là hoa của cây mai trắng (bạch mai hoa, hoa của cây mơ), tên khoa học là Prunus armeniaca L. thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Phân biệt với cây mai vàng (Ochna integerrima Lour) thường được trồng làm cảnh và trang trí trong dịp Tết. Trong thành phần hóa học, hoa mai chứa nhiều tinh dầu như cineol, borneol, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol… và một số chất khác như meratin, calycanthine, caroten… Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa mai có tác dụng kích thích bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như Escherichia coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao… Một số bài thuốc có hoa mai dễ chế biến và sử dụng như:

Tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Ho dai dẳng: Hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày.

Nôn: Hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút, chắt ra hòa thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng 2 thang.

Ngoài ra, trong ẩm thực cổ truyền, hoa mai còn được sử dụng như một loại thực phẩm để chế thành những món ăn có công dụng bổ dưỡng toàn thân cùng với các loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt dê, trứng gà, cá chép, nấm hương…

 Hoa đào

Hoa đào có loại cánh đơn màu hồng nhạt gọi là đào phai, được trồng lấy quả và loại cánh kép hay bích đào, màu hồng sẫm để làm cảnh và trang trí trong dịp Tết. Hoa đào dùng làm thuốc chính là hoa của cây đào phai, một đặc sản của vùng cao Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sapa (Lào Cai), có tên khoa học là Prunus persica, họ Hoa hồng (Rosaceae).

Ở châu Âu, hoa đào được chế dưới dạng sirô cho trẻ uống để tẩy giun. Ở Trung Quốc, hoa đào phai 5-9g sắc uống chữa phù thũng, táo bón. Trong cuốn Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã dùng hoa đào phối hợp với hạt vông vang, hoạt thạch, hạt cau già với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống 8g với nước sắc hành trắng vào lúc đói để chữa sản hậu, đại tiện không thông. Để làm hồng và mịn da mặt, dùng hoa đào 40g, hạt bí đao (chỉ lấy nhân) 40g, vỏ quýt 20g, phơi khô, tán nhỏ mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g với nước ấm sau bữa ăn. Hoặc, lấy hoa đào và hạt bí đao lượng bằng nhau, giã thật nhuyễn, thêm ít nước tạo thành dạng bột nhão dùng bôi lên mặt trước khi đi ngủ, sáng hôm sau rửa sạch và dùng liên tục trong 5-7 ngày.

Theo kinh nghiệm dân gian, hoa đào 3-5g sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày làm thông tiểu, nhuận tràng. Để chữa chàm mặt, hằng ngày lấy hoa đào phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ mịn, uống mỗi lần nửa thìa cà phê với nước ấm.

Hoa cúc vạn thọ 

Thuộc chi Tagetes là một chi của khoảng 60 loài, thuộc họ Cúc-Asteraceae. Trong cuộc sống của người châu Á, cúc vạn thọ tiêu biểu cho sự trường sinh và hạnh phúc vĩnh hằng nên thường được sử dụng làm hoa để thờ cúng tổ tiên. Nghiên cứu dược lý cho thấy: cao chiết nước hoặc cao chiết cồn-nước của hoa có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn gram dương như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus; tinh dầu hoa cúc vạn thọ có tác dụng ức chế một số chủng nấm. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cúc vạn thọ theo kinh nghiệm dân gian như: Hoa cúc vạn thọ 15g sắc với nước lấy 100ml, thêm đường, uống nóng, chữa cảm, ho, ho gà, viêm phế quản, đau răng, đau mắt. Hoa cúc vạn thọ nấu với gan gà là món ăn bổ dưỡng, tăng cường thị lực. Hoa và lá cúc vạn thọ, giã nát, dùng ngoài da đắp chữa bỏng. Ở Ấn Độ, dùng hoa tươi giã đắp trong bệnh trĩ chảy máu, lá được dùng đắp mụn nhọt, dịch ép lá để chữa đau tai.

Hoa cúc trắng

Hoa cúc là một loài hoa đẹp thường được nhân dân ta trồng làm cảnh. Có nhiều loài cúc với hoa đủ màu sắc, nhưng loài cúc được dùng làm thuốc là hoa cúc trắng (bạch cúc, tên khoa học là Chrysanthemum sinense thuộc họ Cúc-Asteraceae) và hoa cúc vàng (kim cúc, tên khoa học là Chrysanthemum indicum thuộc họ Cúc-Asteraceae) dưới cái tên chung là cúc hoa.

Theo các tài liệu y học cổ, cúc hoa được dùng chủ yếu làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, tăng huyết áp, giải độc gan, giải độc rượu. Liều dùng mỗi ngày 9-15g dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng trà. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Đặc biệt để chữa đau mắt và làm sáng mắt. Có thể dùng ngoài giã tươi để đắp không kể liều lượng để trị mụn nhọt, viêm da có mũ, chấn thương bầm giập… Một số bài thuốc có sử dụng cúc hoa như sau:

Trị cảm mạo phong nhiệt: Cúc hoa 12g, bột sắn dây 12g, lá dâu tằm 12g, rễ lau 12g, bạc hà 5g, cam thảo 5g; sắc uống ngày một thang.

Các loại mụn nhọt: một nắm lá cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp lên chỗ mụn nhọt ngày một lần. Dùng uống: Cúc hoa 60-80g tươi hoặc 20g khô, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 12g; sắc uống ngày một thang.

Đông y có nghiên cứu nấu thành cháo thuốc, dùng hoa cúc trắng là chủ yếu để chữa bệnh đạt kết quả tốt, như sau: Hoa cúc trắng 15g, quyết minh tử (hay thảo quyết minh) 15g, gạo tẻ 100g, đường kính trắng 15g. Cách làm: Rang thảo quyết minh cho  có mùi thơm, để nguội, rồi cùng nấu với hoa cúc trắng, lấy nước bỏ bã, lọc trong. Cho gạo tẻ vo sạch vào nước thuốc thêm nước lã vừa đủ nấu thành cháo. Khi ăn cho thêm đường kính trắng. Mỗi ngày ăn hai lần. Mỗi đợt chữa 7 ngày. Ăn cháo thuốc này có công hiệu mát gan, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiểu tiện, rất tốt đối với những người đau mắt đỏ, nhìn mờ, tăng huyết áp. Chú ý: Người bị tiêu chảy không nên ăn cháo này.

 Hoa hồng

Thuộc bộ hoa hồng Rosales, gồm 9 họ với khoảng 256-261 chi và 7400-7725 loài với họ điển hình là họ Hoa hồng – Rosaceae. Hoa hồng đỏ (Rosa chinensis Jacq.) và trắng thường được dùng làm thuốc. Hoa hồng đã dùng để chữa bệnh từ rất lâu đời. Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Loại hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Loại hoa hồng trắng (hồng bạch) chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, còn có tác dụng nhuận tràng. Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa hồng như:

Chữa ho trẻ em: Lấy cánh hoa hồng trắng còn tươi, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa đường hoặc đường phèn, mật ong. Cho tất cả vào chén nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Chống táo bón: Hoa hồng trắng còn tươi hoặc khô 20-40g, hãm với 100ml nước sôi trong 15 -20 phút, thêm 1/2 thìa mật ong hoặc đường, uống 2 -3 lần trước bữa ăn.

Cầm máu, chữa băng huyết: Lấy hoa hồng đỏ mới nở 20-30g ngâm với 1 lít nước hoà với 50g đường khuấy đều. Mỗi lần uống 200ml, uống cho đến khi cầm mới thôi.

Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh: Hoa hồng, ích mẫu, mỗi vị 10g, sắc uống.

Chữa rộp lưỡi, loét lợi, lở miệng: Ngâm bột hoa hồng đỏ 5g với 25ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa cho rượu bay hơi, đến khi còn sền sệt thì cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều rồi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2 – 4 lần.

Tắm hoa hồng: Hoa hồng sau khi cắm xong, bứt lấy nguyên cánh cho vào nước đun sôi. Lấy nước đó pha tắm, sử dụng lâu dài da sẽ mịn màng, tươi mát.

Chữa ho, thổ huyết, đau đầu: Hoa hồng tươi 50g hấp với 20g đường phèn uống sáng, trưa, chiều, tối.

Chữa thổ huyết, ngực và đau hạ sườn: Dùng 300 đoá hồng nấu thành nước đặc, lọc bỏ bã cô thành cao (cho thêm 0,5kg đường phèn). Sáng tối dùng 30ml cao hoà tan vào nước sôi để uống.

Chữa viêm loét miệng, lưỡi: Bột hoa hồng ngâm với rượu, đun nhỏ lửa cô thành cắn, trộn với mật ong bôi lên vết loét.

 Hoa mào gà

Còn gọi là hoa mồng gà (cụm hoa còn gọi là Kê quan hoa, Celosia cristata L., họ Rau dền Amaranthaceae) có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu. Thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu

 Hoa quỳnh 

Quỳnh trắng, tên khoa học Epiphyllum oxpetalum (DC.) Haw. thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), là một cây nhỏ. Cây được nhập trồng từ lâu đời để làm cảnh. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm với vẻ đẹp thật quyến rũ.

Theo kinh nghiệm dân gian, hoa quỳnh thu hái lúc mới nở, để tươi hoặc phơi, thái nhỏ, tẩm mật, sao vàng, hãm với nước sôi như pha trà hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày, chữa sỏi bàng quang, sỏi thận. Liều dùng hàng ngày: 20 – 30g, dùng liền trong vài tuần. Hoa quỳnh có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: Hoa quỳnh 30g, kim tiền thảo 20g, diếp cá 20g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. DS. Phan Đức Bình đã nghiên cứu thử nghiệm thấy dịch nhầy chiết từ hoa quỳnh tươi không những làm tan sỏi mà còn trị được bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, hoa quỳnh còn dùng chữa lao phổi, ho ra máu: hoa quỳnh 3-5 hoa, thêm đường 15g, sắc uống. Hoa quỳnh 3-5 hoa sắc uống hoặc đem chưng cách thủy với thịt heo thành món ăn có tác dụng trị xuất huyết tử cung.

 Hoa hướng dương 

Có tên khác là cây hoa mặt trời với tên khoa học là Helianthus annuus L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10. Cần phân biệt với hoa hướng dương dại (sơn quỳ, tên khoa học là Tithonia diversifolia Hemsl. A. Gray) mọc hoang dại, thường được dùng làm phân bón. Từ xa xưa, hoa hướng dương đã được trồng làm cảnh và qua quá trình chọn giống, lai tạo để lấy hạt, quần thể hoa hướng dương đã gồm hàng chục giống, thích nghi với nhiều vùng trồng khác nhau. Ở Việt Nam, cây được trồng rải rác trong nhân dân, nhất là những tỉnh miền núi phía Bắc.

Hoa hướng dương chứa beta-caroten, cryptoxanthin, taraxanthin, lutein, quercimeritrin. Về mặt dược lý, dịch chiết nước từ cụm hoa hướng dương gồm đế hoa, đài hoa và cánh hoa có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này do thuốc làm giãn mạch ngoại vi từ từ và kéo dài, làm giảm sức cản thành mạch và giảm nhịp tim. Hoa hướng dương có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphyloccocus aureus, Escherichia coli; dịch chiết cồn từ hoa và lá là một loại thuốc hạ sốt có thể dùng cho trẻ em mà không gây phản ứng phụ.

Cụm hoa hướng dương chữa tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, ù tai, đau bụng, đau gan, đau khớp, viêm vú, thở khò khè. Ngày dùng 30-90g, sắc uống. Hoặc dùng dịch chiết nước của cụm hoa theo tỷ lệ 1:10 (nước gấp 10 lần lượng hoa), ngâm trong 2-3 giờ, ngày uống 2-3 lần.

Bài thuốc đặc trị tăng huyết áp gồm: hoa hướng dương 60g phối hợp với râu ngô 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm đường, uống làm hai lần trong ngày.

 Hoa thiên lý 

Hoa thiên lý còn được gọi là dạ lý hương, tên khoa học là Telosma cordata, Burm.f. (Merr.) thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae). Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng có trong hoa thiên lý như chất xơ là 3%, chất đạm 2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao. Vì vậy cây thiên lý cả lá non, ngọn và hoa đều là thực phẩm quý có tác dụng bổ dưỡng giúp trẻ chóng lớn, giúp người già giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt, làm tăng cường sức đề kháng cho người sử dụng. Ngoài ra sự có mặt của chất kẽm còn có thể chữa chứng vô sinh ở nam giới do nhiễm chì bởi thường xuyên tiếp xúc với vật liệu chứa chì như ắc quy, mực in, xăng pha chì, các động cơ có chì…

Đông y cho rằng hoa thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, bớt đi đái đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, có tính chống viêm và làm tan màng mộng, thúc đẩy chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng như viêm kết mạc cấp và mạn, viêm giác mạc và mờ đục màng mắt, viêm kết mạc do bệnh sởi, trị giun kim. Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa thiên lý như:

Phòng rôm sảy ngày hè: Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn.

Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: Hằng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn.

Làm thư giãn sau các buổi làm việc căng thẳng, người khoan khoái, ngủ dễ ngon giấc, đỡ mệt mỏi, giảm tiểu đêm: Hằng ngày lấy hoa thiên lý nấu canh ăn.

Chú ý: Không ăn chung hoặc xào nấu cùng thiên lý với các thức ăn giàu chất sắt như gan, tiết, thịt heo nạc, rau muống… vì chất sắt (Fe) có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm (Zn) ra khỏi cơ thể.

 Tổng hợp: Hương Nhu

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon