ThS. BS. Dương Công Minh

Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng

TTDD TP.HCM

A. Điều trị

1. Chế độ ăn phục hồi dinh dưỡng

  • Nguyên tắc :

– Chủ yếu hướng dẫn bà mẹ cho trẻ ăn uống tại nhà để đạt mức năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phục hồi.

– Cho bé ăn, bú nhiều lần trong ngày kể cả ban đêm, cho ăn thêm các bữa phụ theo nhu cầu tăng trưởng bù của từng trẻ. Trong giai đoạn bú mẹ cần tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ, điều trị phục hồi sữa mẹ cho các bà mẹ thiếu sữa.

– Cung cấp đầy đủ protein (gấp đôi), năng lượng (gấp 1,5 lần) và các vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu phục hồi.

  • Thực tế :

– Trẻ <1 tuổi : 3,5g protein/kg/ngày, 150 kcal/kg/ngày

  Trẻ >1 tuổi : 2-2,5g protein/kg/ngày, 120-150 kcal/kg/ngày

– Riêng trẻ suy dinh dưỡng (SDD) nặng :

+ Hai ngày đầu : 1-1,5g protein/kg/ngày, 100 kcal/kg/ngày

+ Sau đó : 4-6g protein/kg/ngày, 150-220 kcal/kg/ngày

2. Bổ sung các vi chất dinh dưỡng với liều dự phòng

a. SDD nặng (CN/T<-3SD)

– Sắt : 3-5mg/kg/ngày

– Kẽm : 1,5-2mg/kg/ngày (liều thường cho là 5-10mg/trẻ/ngày, không quá 20mg/trẻ/ngày).

– Đồng : 0,2mg/kg/ngày

– Vitamin A : <1 tuổi : 100.000 đơn vị, >1 tuổi : 200.000 đơn vị. Sau 4-6 tháng, có thể lặp lại liều trên hoặc 5000 đơn vị/ngày.

– Acid folic : 1mg/ngày (riêng ngày đầu cho 5mg)

– Vitamin D : 10µg/ngày

– Kali : 0,5-1g/ngày ở trẻ <1 tuổi, trẻ >1 tuổi liều gấp đôi, trong 2 tuần.

– Mg : 0,25-0,5g/ngày

– Ca : 0,3-0,5g/ngày

b. SDD vừa (CN/T<-2SD)

Nếu có chán ăn và giảm ăn, giảm bú :

– Kẽm : 1-1,5mg/kg/ngày

– Sắt : 20-30mg/ngày

– Vitamin A (cho theo chương trình quốc gia như trên)

– Các vi chất khác nhận từ nguồn thức ăn được hướng dẫn hoặc cho liều bổ sung cho các đối tượng có nguy cơ thiếu hụt.

3. Điều trị các bệnh kết hợp

a. Thiếu vi chất : vitamin A, B1, C, D, PP, Fe, Zn, A. Folic, thiếu máu dinh dưỡng.

b. Chán ăn, nôn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hấp thu và các rối loạn chuyển hóa.

c. Bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy, SIDA, nhiễm giun sán và các bệnh tật khác.

– Trẻ SDD nặng (CN/T<-4SD) hoặc SDD dạng phù có chỉ định điều trị dự phòng nhiễm khuẩn (Metronidazole 7,5mg/kg/lần x 3 lần/ngày).

– Nhiễm giun :

+ Pyrentel : 10mg/kg/ngày 1 liều.

+ Mebendazole : 100mg/lần, 2 lần/ngày x 3 ngày lien tiếp.

+ Albendazol : 15mg/kg, ngày 1 lần x 15-30 ngày (sán chó …)

4. Hướng dẫn kích thích tâm lý ngũ quan và cơ bắp cho trẻ

– Cho trẻ đồ chơi. chơi đùa với trẻ, tập vận động (lật, ngồi, bò trườn, đứng, đi) cho trẻ, thương yêu, âu yếm trẻ.

– Tránh để lộ lo lắng, cáu gắt, tránh làm cho trẻ sợ hãi.

– Xoa bóp, vuốt nhẹ khắp người trẻ, sáng và chiều mỗi lần vài phút.

– Cho trẻ tắm nắng sáng lúc 7-8h, mỗi lần 15-20 phút (lúc đầu 3-5 phút, sau đó tăng dần theo sức chịu đựng của trẻ).

5. Tạo điều kiện cho trẻ ngủ đủ giấc và ngủ thỏa mãn theo nhu cầu riêng của trẻ, không đánh thức trẻ dậy sớm và cho trẻ ngủ đầy đủ vào giấc trưa

6. Theo dõi quá trình phục hồi

– Theo dõi các quá trình dung nạp, tiêu hóa, hấp thu và đồng hóa các chất dinh dưỡng.

– Theo dõi quá trình hồi phục bằng các chỉ số nhân trắc bằng biểu đồ và hướng dẫn cho các bà mẹ biết theo dõi biểu đồ tăng trọng.

– Theo dõi các chỉ số sinh học : CTM, Hb, Zn, Fe, Albumin … và các xét nghiệm khác khi cần.

– Theo dõi phát triển tâm than – vận động, giấc ngủ và các bệnh tật đi kèm.

7. Tái khám và đề phòng tái phát

a. Trẻ SDD rất nặng (CN/T<=-4SD) : SDD kết hợp nhiễm trùng và các rối loạn chức năng nặng khác : tiêu chảy mất nước nặng, SDD thể phù … cần chuyển đến bệnh viện để điều trị cấp cứu theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới.

b. SDD nặng : tái khám mỗi 2 tuần trong tháng đầu, khi trẻ có đạt CN/CC>=-1SD tái khám mỗi tháng.

c. SDD vừa : tái khám hàng tháng và có thể sớm hơn tùy theo bệnh trạng, tiếp tục hướng dẫn dinh dưỡng và chăm sóc trẻ tại nhà.

– Sau vài tháng trẻ phục hồi tốt, gia đình ở xa, thời gian hẹn tái khám có thể sau 2-3 tháng.

– Nếu trẻ đã phục hồi hoàn toàn, gia đình không có điều kiện tái khám, hướng dẫn cho trẻ khám và theo dõi tại địa phương.

– Phòng chống tái phát :

+ Giáo dục chăm sóc sức khỏe ban đầu.

+ Phòng chống các bệnh nhiễm trùng; kí sinh trùng; chủng ngừa đầy đủ, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cơ thể bé và môi trường.

+ Hướng dẫn cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn cho bà mẹ và trẻ em.

B. Dự phòng suy dinh dưỡng

1. Nhà Nước cần thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp.

2. Các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện các chương trình dự án truyền thông giáo dục kiến thức và kĩ năng thực hành dinh dưỡng sức khỏe thường xuyên rộng khắp và tận người dân.

3. Hướng dẫn nuôi đầy đủ ngay từ trong bụng mẹ để dự trữ năng lượng và các chất dinh dưỡng đầy đủ ngay trong thai kì để người mẹ đủ sữa nuôi con sau sanh.

4. Nhà Nước cần có chính sách cho bà mẹ nghỉ hậu sản it nhất là 6 tháng, khuyến khích, hỗ trợ cho người dân chủ động học tập và thực hành nhằm phát triển các kĩ năng thực hành nuôi con theo khoa học.

5. Phòng chống hiệu quả các bệnh nhiễm trùng nhất là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa tái diễn thông qua các chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dung nước sạch và vệ sinh môi trường, các chương trình bổ sung vi chất.

6. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tổ chức cho trẻ ăn dặm đúng cách và đủ chất song song với cho con bú sữa mẹ it nhất là 12 tháng.

7. Nếu thiếu hoặc mất sữa mẹ : điều trị phục hồi sữa mẹ, nếu thất bại, có thể thay thế một phần hoặc hoàn toàn các loại sữa tương đương sữa mẹ.

8. Khi trẻ bệnh : cho ăn theo chế độ ăn bệnh lý, ăn nhiều chất lỏng, uống nước đầy đủ và số lần ăn bú mẹ nhiều hơn bình thường.

9. Tăng nguồn thực phẩm đa dạng cho bà mẹ và trẻ em thông qua chương trình phát triển sinh thái VAC tại các địa phương.

10. Thực hiện sinh để theo kế hoạch.

11. Hướng dẫn cho các bà mẹ sử dụng tốt biểu đồ tăng trưởng nhằm phát hiện sớm các trẻ SDD và biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc phục hồi tích cực.

 

 

 

 

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon