ThS.BS. Trần Quốc Cường
Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
          Căn cứ các bằng chứng khoa học trên thế giới, cuối năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới vừa đưa ra các hướng dẫn bổ sung sắt định kỳ cho trẻ em cả hai giới (từ 2 đến 12 tuổi), trẻ gái sau khi có kinh nguyệt và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Việc bổ sung theo phác đồ 1 viên sắt mỗi tuần liên tục trong 3 tháng rồi nghỉ 3 tháng sau đó bổ sung tiếp trong 3 tháng liên tiếp và lặp lại chu kỳ này.
Khuyến nghị này khá quan trọng khi tỉ lệ thiếu máu ở người dân tại TPHCM còn khá cao đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và thanh niên công nhân nhập cư (xấp xỉ 20%). Khi tỉ lệ thiếu máu từ 20% trở lên được định nghĩa là tỉ lệ cao cần can thiệp cộng đồng.

          Thiếu máu ở trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do nhiều nguyên nhân: do chế độ ăn thiếu chất sắt, tăng nhu cầu trong giai đoạn tăng trưởng ở trẻ em và phụ nữ mang thai, mất máu kéo dài do ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm giun móc. Đa phần thiếu máu là do thiếu chất sắt, tuy nhiên cũng có một tỉ lệ nhỏ thiếu máu do nguyên nhân khác và chỉ được chẩn đoán khi làm các xét nghiệm cần thiết tại cơ sở y tế.

 

          Chất sắt là chất có thể dự trữ trong cơ thể do đó có thể đưa vào cơ thể một lần trong tuần và cơ thể dự trữ để sử dụng trong các ngày tiếp theo.Chỉ cần bổ sung sắt 1 lần 1 tuần là vì tế bào biểu bì ruột non có đời sống trung bình 5-6 ngày và có khả năng giới hạn trong hấp thu chất sắt do đó việc bổ sung cách mỗi tuần sẽ giúp cho các tế  bào mới biểu bì ruột non hấp thu chất sắt và từ đó gia tăng hiệu quả hấp thu chất sắt vào cơ thể. Bổ sung chất sắt cách quãng (1 lần 1 tuần) cũng giúp tránh tình trạng ức chế hấp thu các khoáng chất khác (ví dụ canxi, ma-nhê, kẽm…) tại ruột non do hàm lượng sắt cao. Bổ sung sắt cách quãng cũng phù hợp đối tượng nhiễm trùng mãn tính đặc biệt do sốt rét khi mà trong các bệnh lý này cung cấp chất sắt thường xuyên sẽ làm vi trùng và ký sinh trùng phát triển nhanh hơn. Và cuối cùng theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung sắt cách quãng sẽ giúp giảm tác dụng phụ của chất sắt khi sử dụng (buồn nôn, đau bụng hay tiêu phân đen…) và gia tăng tuân thủ điều trị hơn phátc đồ bổ sung hàng ngày.

          Phác đồ bổ sung cách quãng này chỉ áp dụng ở mức cộng đồng đại trà và liều bổ sung này thấp. Do đó nếu bệnh nhân thật sự được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt tại cơ sở y tế thì sẽ được bác sĩ cho sử dụng sắt ở liều nhiều hơn.

          Ngoài việc bổ sung chất sắt còn cần sử dụng thực phẩm giàu chất sắt. Chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật (thịt,cá, trứng…) và ít trong thức ăn thực vật. Bên cạnh đó thực đơn nhiều rau quả giàu vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt, ngược lại sử dụng nhiều trà, cà phê làm ức chế hấp thu chất sắt. Tẩy giun định kỳ mỗi năm 2-3 lần cũng là giải pháp giúp phòng chống thiếu máu.

(Trích nguồn TT Dinh dưỡng TP.HCM)

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon