ThS. BS. Dương Công Minh

Trung Tâm Dinh Dưỡng TP.HCM

         Cơ thể con người là “mái ấm tình thương” cho rất nhiều chủng loại vi khuẩn với một số lượng cực lớn. Ước tính có khoảng 1 trăm ngàn tỷ vi khuẩn (từ khoảng 400 chủng loại khác nhau) cộng sinh trên cơ thể người (nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào cấu tạo nên cơ thể người), được gọi là vi khuẩn chí. Trong số những vi khuẩn này, có những loại có hại cho sức khỏe vì chúng sản xuất độc tố và những chất có khả năng gây ung thư. Bên cạnh đó những loại vi khuẩn khác lại có lợi cho sức khỏe như Lactobacillus và Bifidobacteria được đánh giá là cư dân tốt bụng của đường tiêu hoá. Hai loại vi khuẩn này có nhiều lợi ích như ức chế sự tăng trưởng của những vi khuẩn gây hại, cải thiện hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thu và góp phần tổng hợp các vitamin nhóm B. Đây là loại vi khuẩn chiếm ưu thế ở trẻ sơ sinh, khi bước qua giai đoạn ăn dặm, số lượng vi khuẩn có lợi này bắt đầu giảm dần và bắt đầu thời kỳ trẻ rất dễ bị các rối loạn tiêu hóa. [2][4]

          Sở dĩ cơ thể chúng ta vẫn an nhiên sống hoà bình, khoẻ mạnh với bao nhiêu là vi khuẩn do trong điều kiện bình thường luôn có sự cân bằng giữa hệ vi khuẩn tốt và xấu. Khi trạng thái cân bằng này bị phá vỡ, một số chủng loại vi khuẩn xấu trong hệ khuẩn chí kể trên có thể vượt trội gây hại cho cơ thể. Nhằm duy trì trạng thái cân bằng của hệ vi khuẩn có ích của đường tiêu hoá, các nhà dinh dưỡng đã đưa ra 2 cách can thiệp : bổ sung trực tiếp vi khuẩn sống (probiotics) hoặc bổ sung chất kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn này (prebiotics) để tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Prebiotics là gì ?

          Được định nghĩa là một dạng thực phẩm tự bản thân không tiêu hóa được nhưng có ảnh hưởng tốt cho cơ thể con người bằng cách kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi. Prebiotics được xem là thức ăn của những vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe. Những prebiotics thông dụng được bổ sung vào thực phẩm hiện nay có thể kể đến hai loại chất xơ đặc biệt là inulin và oligofructose vào trong sữa cho trẻ từ 6 tháng tuổi, vào bột ngũ cốc cho trẻ ăn dặm. Đây là hai loại chất xơ tự nhiên không bị tiêu hoá khi vào cơ thể, được chiết xuất từ củ artichoke hay rễ rau diếp xoắn. Khi đến ruột, inulin và oligofructose có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi (Lactobacillus và Bifidobacteria) mang lại một số lợi ích nhất định cho trẻ như tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng.

Probiotics là gì ?

          Được định nghĩa là những vi khuẩn sống trong đường tiêu hoá. Chúng được mệnh danh là “vi khuẩn tốt bụng” bởi vì giúp cơ thể bảo vệ chống lại một số các vi khuẩn có hại, nấm và siêu vi. [4][5] Khi probiotics được sử dụng (ăn hoặc uống) một cách thường xuyên với số lượng đầy đủ sẽ tạo ra những ảnh hưởng có lợi lên sức khoẻ con người đặc biệt là hệ tiêu hoá. Chúng hiện diện trong yaourt (sữa chua), sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo, các thứ mắm… Hầu hết các probiotics hiện nay được nghiên cứu bổ sung vào thực phẩm là những vi khuẩn thuộc dòng Lactobacillus hoặc Bifidobacterium. [4]

          Hiện nay, có một số tranh cãi về việc vi khuẩn sống trong sữa chua có được xem là probiotics hay không? Bởi lẽ để có được sữa chua, người ta thường sử dụng vi khuẩn cấy (men cái) để lên men sữa và chuyển sữa ban đầu thành sữa chua. Thông thường, vi khuẩn cấy vào sữa thuộc dòng Lactobacillus bulgaricus và Streptotoccus thermophilus và những vi khuẩn này không bền vững ở môi trường acid của dạ dày và ruột non do đó không đạt được số lượng đủ lớn ở đường tiêu hoá nhằm có được hiệu quả tối ưu của một probiotics đúng nghĩa. Tuy nhiên, do các vi khuẩn cấy men này lại có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng bất dung nạp lactose ở những người bị thiếu men lactase, vì thế, với lý do này chúng vẫn được xem là probiotics [4] nhưng không được … “tâm phục khẩu phục” lắm! 

Những tác động tích cực của probiotics [2][5] : làm giảm tỷ lệ mắc và giảm thời gian tiêu chảy ở trẻ em lẫn người lớn, loại trừ và kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn có hại, tăng cường khả năng hấp thu của hệ tiêu hoá, giảm thiểu những rối loạn tiêu hoá bởi điều trị kháng sinh, chống táo bón, cải thiện sự dung nạp đường lactose, chống đầy hơi, chướng bụng, probiotics dạng lactobacillus còn có tác dụng điều trị chàm trẻ em, dự phòng nhiễm nấm đường tiêu hoá, nấm miệng, nâng cao sức đề kháng cơ thể …

          Với những ích lợi như trên, đặc biệt ở trẻ em, với những thay đổi có lợi trên tỷ lệ các loại vi khuẩn thường trú này được xem là có tác dụng tích cực hạn chế các bệnh tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu chảy do không dung nạp được lactose trong sữa, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể. 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Philippe SteenHout. Probiotics and prebiotics in infant nutrition. Tầm quan trọng của prebiotics và probiotics trong dinh dưỡng trẻ em. Chuyên san Hội dinh dưỡng TP. HCM 26-4-2002. Trang 11-52
  2. R. Fuller and G. Gibson. Probiotics and prebiotics. Encyclopedia of human nutrition 2001. vol.3. Trang 1633-1638
  3. Yvan Vandenplas. Probiotics and prebiotics in pediatrics : a new development. Recent scientific research on innuline and oligofructose. 3rd ORAFTI Research Conference. London February 2001.
  4. Probiotics basics. http://www.usprobiotics.org/basics/.
  5. Probiotics. http://www.vhi.ic/hfiles/hf-348.jsp.

 

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon