ThS. BS. Dương Công Minh

Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng

TTDD TP. HCM

Nguyên nhân nào gây nên gan nhiễm mỡ (GNM) ?

          Bình thường trong gan cũng có chứa mỡ nhưng ít, chiếm khoảng 3 – 4% trọng lượng gan. Khi tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan >5% trọng lượng gan, ta chẩn đoán là GNM. Gan có nhiều vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của con người. Một  trong những vai trò quan trọng ấy là vai trò trung tâm trong sự chuyển hóa và tích trữ chất béo. Để có thể dễ hiểu về nguyên nhân và cách thức nào gây ra tình trạng GNM, chúng ta có thể hình dung nôm na gan như là 1 nhà máy sản xuất chất béo, vận chuyển chất béo đi các nơi trong cơ thể và còn là kho dự trữ chất béo. Khi 1 trong các vấn đề sau đây xuất hiện sẽ dẫn đến tình trạng GNM:

–       Nếu việc sản xuất chất béo quá đơn đặt hàng (đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa …)

–       Hoặc thiếu xe vận chuyển mỡ (suy dinh dưỡng nặng thiếu protein năng lượng …),

–       Hoặc xe xuống cấp, rệu rã, cơ chế quản lý của nhà máy bị trì trệ yếu kém (uống rượu nhiều quá làm hư gan, sử dụng thuốc độc cho gan, bị bệnh lý viêm gan siêu vi …) sẽ gây tình trạng lắng đọng mỡ quá mức trong gan, lâu ngày dẫn đến tình trạng GNM.

–       Hoặc gan trở thành một nhà kho chứa mỡ bị quá tải do lượng chất béo từ những nơi khác đổ về: thừa cân, béo phì, các bệnh lý chuyển hóa gây tăng mỡ máu …)

–       Hoặc càng tệ hơn nữa khi có sự phối hợp tất cả những vấn đề trên

Những ai sẽ dễ bị GNM ?

          Từ những cách thức gây ra GNM như đã nêu trên, những người dễ bị GNM thường gặp có thể kể đến :

–       Nghiện rượu bia

–       Thừa cân béo phì

–       Đái tháo đường type 2

–       Tăng lipid máu

–       Suy dinh dưỡng nặng thiếu protein

–       Dùng những thuốc gây độc cho gan (tetracycline, valproic acid, amiodarone, glucocorticoids …)

Trên thực tế, những nguyên nhân thường gặp hơn cả gây GNM là nghiện rượu bia, thừa cân béo phì, đái tháo đường type2.

Biểu hiện của GNM như thế nào, có dễ dàng nhận biết hay phải làm xét nghiệm máu thì mới chẩn đoán được GNM không ?

–       Triệu chứng lâm sàng: Những người bị GNM đa phần đều không có triệu chứng bởi vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm thấy. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, hoặc sự tích tụ mỡ tại gan đủ nhiều, lúc đó gan lớn, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân có thể có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Tuy nhiên, GNM cũng có thể chỉ biểu hiện với triệu chứng mệt mỏi toàn thân và cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị chếch phải mà thôi. Khi tình trạng GNM nặng, có thể có triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và gan to. Ngoài ra, những bệnh nhân GNM do những nguyên nhân khác nhau sẽ có kèm theo những triệu chứng toàn thân và những dấu hiệu đặc trưng của những nguyên nhân đó.

          Các bệnh nhân thường được phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khỏe định kỳ. Một số trường hợp khác, tình trạng GNM ngẫu nhiên được nghĩ đến khi bệnh nhân được chỉ định làm siêu âm hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT scan) bụng tổng quát để tìm hiểu một bệnh khác (ví dụ như bệnh nhân đau bụng chưa rõ nguyên nhân, hoặc kiểm tra bệnh lý sỏi mật …)

–       Cận lâm sàng: Khi bệnh nhân đã có chẩn đoán GNM qua siêu âm hoặc CT scan, kết quả bất thường khi cho xét nghiệm máu của tình trạng GNM cũng không nhiều. Hầu hết các trường hợp có sự tăng nhẹ về các chỉ số men gan (aminotransferases huyết thanh, alkaline phosphatase). Các bất thường khác ít gặp hơn là tăng bilirubin huyết thanh trực tiếp và giảm albumin huyết thanh.

          Không phải chỉ những người béo phì mới bị GNM, GNM cũng có thể gặp ở những người ăn chay trường, ăn uống đạm bạc, suy dinh dưỡng… Điều này cũng khá bất ngờ vì nhiều người vẫn nghĩ rằng phải là người dư cân béo phì mới mắc GNM, vậy chúng ta có thể hiểu điều này như thế nào ?

  • Đầu tiên, chúng ta cần biết rằng mỡ lắng đọng tại gan, thành phần của nó có thể là triglyceride, phospholipid, cholesterol và các acid béo tự do. Cơ thể con người có thể tự tổng hợp tất cả các thành phần trên chứ không nhất thiết phải ăn thịt mỡ động vật mới có … mỡ! Đơn cử, cholesterol toàn phần trong cơ thể người hình thành từ 2 nguồn: nguồn ngoại sinh là do chế độ ăn giàu cholesterol do ta ăn vào (tôm cua cá thịt, phủ tạng động vật, trứng …), nguồn ngoại sinh chỉ giúp tạo ra 1/3 lượng cholesterol trong cơ thể. Trong khi đó, nguồn nội sinh do cơ thể tự tổng hợp cholesterol chiếm đến 2/3 và chỉ riêng nhà máy gan đã “giành phần” sản xuất 80%. Chính vì lẽ đó, khi nhà máy gan có vấn đề, tình trạng GNM vẫn có thể xảy ra cho dù người đó đang ăn chay trường, không đụng đến miếng mỡ nào.
  • Mặt khác, người ăn chay trường vẫn có thể vướng vào một trong những vấn đề vốn dĩ là nguyên nhân gây GNM, cụ thể: thừa cân béo phì, đái tháo đường, uống thuốc có hại cho gan
  • Người ăn uống đạm bạc, suy dinh dưỡng (kể cả người ăn chay trường):

–      Cơ thể thiếu đạm (protein) sẽ làm cho cơ thể giảm tổng hợp lipoprotein. Lipoprotein lại đóng vai trò như những cỗ xe chuyên chở mỡ ra khỏi gan và hậu quả lâu ngày dẫn đến sự lắng đọng mỡ tại gan gây nên tình trạng GNM.

–      Thiếu dinh dưỡng (suy dinh dưỡng) không đơn giản chỉ làm thiếu hụt đường, thiếu đạm (protein) mà còn thiếu các chất dinh dưỡng khác như các loại vitamin, muối, khoáng … Sự thiếu hụt này đều làm trở ngại cho quá trình chuyển hóa chất béo, gây ra GNM.

–      Những người không có sự chăm sóc y tế tốt, không được chích ngừa phòng viêm gan siêu vi, ăn uống không vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể bị viêm gan siêu vi, có thể dùng những thuốc độc cho gan mà không có sự hướng dẫn của thầy thuốc … là những yếu tố làm dễ và cũng là nguyên nhân gây nên GNM

–      Nghiện rượu.

–      Và GNM lại càng nặng nề hơn khi các yếu tố trên đan xen!

Trẻ em có bị GNM không? Đối với trẻ em, GNM có quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ?

          Trẻ em cũng bị GNM. Thường gặp ở trẻ thừa cân béo phì. Nếu ngay từ đầu, trẻ được  điều trị tốt thừa cân béo phì, GNM sẽ hết. Nếu không quan tâm, theo thời gian trẻ trở thành một người lớn béo phì. Song song đó, tình trạng nhiễm mỡ gan ở trẻ cũng nặng hơn lên và có nhiều biến chứng nguy hiểm về lâu dài (do tác động làm nặng từ các bệnh lý cơ bản xuất phát từ béo phì, đái tháo đường, tăng mỡ máu …) nếu bệnh lý không điều trị thích hợp

Những người bị GNM cần ăn uống như thế nào, những thực phẩm nào được khuyên dùng và thực phẩm nào cần kiêng khem ?

–       Ưu tiên dùng các loại “thịt trắng” (đậu hũ, cá …) hơn là các “thịt đỏ” (thịt heo, bò …). Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da … động vật, lòng đỏ trứng …

–       Giảm tối đa chất béo, chất bột đường: phải kiểm soát những món ăn giàu năng lượng, nhiều dầu mỡ … trong các buổi tiệc sinh nhật, đám cưới … Ưu tiên dầu thực vật (tránh dầu dừa), hạn chế tối đa mỡ động vật (trừ mỡ cá)

–       Nên chế biến thức ăn một cách đơn giản nhất theo xu hướng (hấp, luộc, xào nhanh…), tránh tối đa thức ăn quay chiên xào nhiều dầu mỡ

–       Tăng cường ăn rau củ, trái cây, ngũ cốc còn nguyên. Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày, mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g qủa chín tươi theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia)

–       Luôn theo dõi cân nặng thường xuyên mỗi tuần một lần trên cùng một cái cân vào buổi sáng sớm sau khi vệ sinh cá nhân và chưa ăn sáng, sẽ giúp ta phát hiện sớm chiều hướng tăng cân hoặc tốc độ giảm cân để điều chỉnh kịp thời.

–       Một số thức ăn được xem là “thuốc trong đông y” có tác dụng “giảm mỡ” tốt như : dầu nành, đậu nành, đậu xanh, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, nấm hương, nấm rơm, tỏi, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, bắp chuối (bông chuối),  …; trái cây nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín …; trà xanh, chè xanh …

–       Nên tạo thói quen đọc nhãn hiệu bao bì để chọn lựa thực phẩm phù hợp (không hoặc ít béo, ít cholesterol, không đường)

Làm thế nào để phòng ngừa gan nhiễm mỡ ?

          GNM ở hầu hết các trường hợp chẩn đoán là hậu quả của một hoặc nhiều bệnh lý khác nhau gây ra sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Vì thế phòng ngừa (cũng như điều trị) GNM chủ yếu là phòng ngừa, điều trị các nguyên nhân cơ bản gây GNM, cụ thể: 

–          Nếu bị dư cân – béo phì: áp dụng chế độ ăn hợp lý (đã nêu ở phần trên) và chế độ tập luyện vận động để giảm cân.

–          Nên duy trì cân nặng lý tưởng (nên áp dụng chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) để tự theo dõi tình trạng dư cân của bản thân (công thức tính BMI = Cân nặng bản thân (tính bằng đơn vị Kg) đem chia cho chiều cao bản thân bình phương (tính bằng mét). Chỉ số này nên duy trì từ 22 – 23, không nên vượt quá 25) 

–          Ngưng (hoặc giảm thiểu) uống rượu, hút thuốc lá

–          Uống thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

–          Các bệnh rối loạn chuyển hoá (đái tháo đường, rối loạn lipid máu …): cần phải được điều trị với bác sĩ chuyên khoa nhằm kiểm soát đường và mỡ trong máu luôn ở mức độ bình thường

–          Chích ngừa phòng viêm gan siêu vi đầy đủ theo lịch. Nếu bị viêm gan siêu vi, cần khám chuyên khoa để kiểm soát tình trạng viêm gan và những diễn tiến bất lợi dẫn đến xơ gan

Nên thực hiện lối sống năng động :

–          Hạn chế các hoạt động tĩnh tại như ngồi lâu một chỗ, chơi game, internet, xem tivi… Hãy tranh thủ thời gian để làm việc nhà (lau dọn nhà cửa, tưới cây…), sử dụng thang bộ thay cho thang máy, tăng cường đi thăm hỏi bạn bè, bà con … thay vì dùng điện thoại. Liên lạc giữa các phòng ban trong cơ quan, nếu có thể, hãy đi gặp trực tiếp chứ không dùng điện thoại nội bộ …

–          Nên tăng cường tập luyện với bất cứ môn thể thao nào mà chúng ta thích và phù hợp, đều đặn mỗi ngày từ 45-60 phút, ít nhất 4 ngày trong tuần. Đi bộ là hình thức vận động dễ thực hiện nhất. Mỗi ngày nên chạy bộ chậm, hoặc đi bộ nhanh khoảng 60 phút.

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon