ThS. Nguyễn Ngọc Yến

Đại học Y Dược TP.HCM

          Acid uric là sản phẩm được sinh ra từ quá trình chuyển hóa các nhân purin-liên quan mật thiết đến bệnh gout. Phần lớn acid uric trong máu ở dạng tự do, được thận lọc và bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Bình thường quá trình tổng hợp và bài tiết acid uric trong cơ thể ở trạng thái cân bằng. Việc tăng acid uric máu kéo dài có thể dẫn đến lắng đọng acid uric ở các dịch khớp. Các tinh thể urat này sẽ gây ra các phản ứng sưng, viêm, tổn thương sụn khớp. Đây được xem là cơ chế chính của bệnh gout. Bên cạnh gout, acid uric cũng được xem là yếu tố nguy cơ ở một số bệnh khác. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa acid uric với bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận và bệnh tim mạch … Các bằng chứng được đưa ra trong việc xác định mối quan hệ giữa nồng độ acid uric máu với các bệnh lý liên quan đến tim mạch và tăng huyết áp là rất rộng lớn.

1. Acid uric và một số bệnh lý liên quan ngoài gout:

          Bệnh về thận: Các nghiên cứu gần đây cho thấy giảm acid uric trong máu có thể làm chậm tiến triển của bệnh thận, đặc biệt là ở những bệnh nhân có tăng acid uric máu. Tổn thương thận ở bệnh nhân bị bệnh gout thường có sự hiện diện của tinh thể urat ở bên ngoài tủy thận.Tuy nhiên, giả thuyết cho rằng tổn thương thận là do sự lắng đọng tinh thể urat cần xem xét lại vì các tinh thể cũng có thể được tìm thấy trong thận bình thường, không viêm; mặt khác, hầu hết các biểu hiện đặc trưng của sự tổn thương thận (như xơ hóa tiểu động mạch tiến triển và xơ hóa cầu thận) không thể phân biệt do tăng huyết áp lâu dài hoặc liên quan đến tuổi tác. Hơn nữa, thực tế là hầu hết bệnh nhân gout thì có kèm tăng huyết áp và thường lớn tuổi [2]

          Bệnh cao huyết áp: Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về việc tăng acid uric máu sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ bị cao huyết áp trong vòng 5 năm và độc lập với các yếu tố khác. Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ acid uric và sự tiến triển của tăng huyết áp có sự nhất quán, liên tục, và tương đồng về mức độ. Tăng acid uric máu cũng phổ biến ở phần lớn bệnh nhân trong giai đoạn tiền cao huyết áp, đặc biệt là khi có sự hiện diện của microalbumin niệu [2].

          Hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường: Acid uric đóng vai trò quan trọng trong hội chứng chuyển hóa. Trước đây, sự tăng acid uric trong hội chứng chuyển hóa được nghĩ là do cường insulin vì insulin làm giảm tiết acid uric ở thận. Tuy nhiên tăng acid uric thường xuất hiện trước cường insulin, béo phì và đái tháo đường. Các nghiên cứu ở động vật cho thấy việc giảm nồng độ acid uric có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược hội chứng chuyển hóa [2].

Acid uric và bệnh tim mạch

           Theo các nhà nghiên cứu, một khó khăn trong việc xác định acid uric có phải là một yếu tố nguy cơ tim mạch là nồng độ acid uric tăng cao thường gắn liền với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, sự gia tăng mạnh bệnh cao huyết áp, béo phì, tiểu đường và bệnh thận trong 100 năm qua cũng đồng thời với sự gia tăng nồng độ acid uric trong huyết thanh. Trung bình nồng độ acid uric ở nam giới tăng dần từ con số ≤3,5 mg/dL (210 mmol/lít) trong những năm 1920 lên 6,0-6,5 mg/dL (360-390 mmol/lít) trong những năm 1970. Phụ nữ có xu hướng thấp hơn so với nam giới (0,5-1,0 mg/dL [30-60 mmol/lít]), có lẽ vì ảnh hưởng của estrogen [2].

          Có những thông tin cho thấy tăng axit uric có thể là một dấu hiệu tiên lượng của tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và tử vong; cũng như sẽ dự đoán sự phát triển của tăng huyết áp, bệnh béo phì, bệnh thận, tiểu đường. Ở những bệnh nhân suy tim, sự tăng cao nồng độ acid uric giúp dự đoán sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cả ở những bệnh nhân suy tim cấp tính và mãn tính [1]. Các nghiên cứu sử dụng mô hình động vật và nuôi cấy tế bào đã xác định được cơ chế acid uric có thể gây ra bệnh tim mạch và bệnh thận, và đưa ra báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng sơ bộ gần đây rằng việc giảm nồng độ acid uric có thể đem lại lợi ích cho bệnh tim mạch và thận [1], [2].

          Một số giả thuyết khác lại cho rằng nồng độ acid uric tăng sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân tim mạch dựa trên tính chất chống oxy hóa của nó. Kết quả tích cực này được thể hiện trên chức năng nội mô sau khi tiêm truyền acid uric. Sự tranh cãi này dẫn đến acid uric không còn được coi là một yếu tố nguy cơ tim mạch thật sự [1], [2].

2. Quan điểm khác về mối liên quan giữa acid uric và một số bệnh lý liên quan ngoài gout:

          Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược về mối quan hệ giữa bệnh động mạch vành và acid uric. Một phân tích gần đây nghiên cứu mối quan hệ giữa acid uric và bệnh mạch vành cho thấy nồng độ acid uric huyết thanh không phải là một yếu tố quyết định chính của bệnh mạch vành và có thể không đóng góp đáng kể vào sự dự đoán của bệnh mạch vành trong dân số nói chung [1].

          Cũng có nghiên cứu cho thấy acid uric không dự đoán sự phát triển tăng huyết áp, tuy nhiên kết quả này liên quan đến các đối tượng bị cao huyết áp sau 60 tuổi [1], [2].

          Mặt khác, nồng độ cao của acid uric trong máu ở bệnh nhân có bệnh tim mạch có thể đơn giản chỉ là kết quả của quá trình bệnh lý có liên quan đến quá trình sản xuất hay đào thải acid uric như sự giảm tốc độ lọc cầu thận, sự đề kháng insulin, tác dụng co mạch thận, hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu (tất cả đều làm giảm bài tiết ở thận của acid uric) hoặc sử dụng rượu, thiếu máu cục bộ mô, hoặc stress oxy hóa (các tác nhân có thể làm tăng acid uric) [1], [2].

          Tóm lại: Các thông tin  về mối quan hệ giữa acid uric và bệnh tim mạch vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Mặc dù các kết quả nghiên cứu cho thấy tăng acid uric máu có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá chính xác vai trò của việc giảm acid uric trong sự tiến triển của bệnh tim mạch, cũng như để đưa ra khuyến cáo liên quan đến những lợi ích của việc sử dụng allopurinol hoặc febuxostat (chất ức chế xanthine oxidase) trên bệnh nhân có sự tăng nồng độ acid uric không có triệu chứng và nguy cơ tim mạch cao [1], [2].

 

Tài liệu tham khảo

1. Cerezo C, Ruilope LM (2012), “Uric Acid and Cardiovascular Risk Considered: an Update”, e-journal of the ESC Council for cardiology Practice, Vol 10.

2. Daniel I. Feig, M.D., Ph.D., Duk-Hee Kang, M.D., and Richard J. Johnson, M.D. (2008, updated in 2010), “Review article: Uric Acid and Cardiovascular Risk”, The new England journal of medicine, pp 1811-1821.

X
0903932504
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon